Đau vai gáy là một bệnh lý thường gặp trong cuộc sống, bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng.

1. Đau vai gáy là gì

Đau cổ vai gáy kéo dài

Đau vai gáy là hội chứng gây ra tình trạng đau mỏi, co cứng cơ vùng cổ gáy và vai. Đa số các trường hợp đau vai gáy không gây nguy hại gì và có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi trong vài ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên một số trường hợp, đau vai gáy lại là biểu hiện của chấn thương hoặc một tình trạng bệnh tật nghiêm trọng và cần sự chăm sóc của bác sĩ. Do đó, nếu bạn gặp phải tình trạng đau vai gáy kéo dài hơn một tuần, đau dữ dội hoặc kèm theo các triệu chứng khác, bạn nên đi khám bác sỹ ngay.

2. Những nguyên nhân có thể gây đau vai gáy

2.1 Đau do căng cơ và căng cơ

Đau do căng cơ và căng cơ là nguyên nhân thường gặp nhất của đau vai gáy. Tình trạng đau thường là do:

  • Vận động sai tư thế
  • Làm việc trên bàn quá lâu mà không thay đổi vị trí
  • Tư thế cổ khi nằm ngủ không phù hợp (do kê gối quá cao/ quá thấp, do nằm xoay đầu quá mức khi ngủ…).
  • Xoay đầu đột ngột quá mức khi tập thể dục

2.2 Chấn thương

Vùng cổ là nơi nối liền đầu (trung tâm chỉ huy mọi hoạt động của cơ thể) và toàn bộ cơ thể. Nhưng lại rất dễ bị chấn thương, đặc biệt là khi bị ngã, tai nạn xe, bị đánh/tát vào vùng đầu mặt cổ hoặc chấn thương khi chơi thể thao… Do đó, nếu xương cổ (đốt sống cổ) bị gãy, tủy sống (trung tâm giúp vận chuyển thông tin của não bộ) cũng có thể bị tổn thương, gây mất vận động một phần hoặc toàn cơ thể và đôi khi đe dọa sinh mạng. Vì vậy, trong các trường hợp chấn thương cần chú ý nẹp cố định vùng cổ.

2.3 Viêm màng não

Viêm màng não là tình trạng viêm lớp màng bao quanh não và tủy sống. Ở những người bị viêm màng não, thường bị sốt và nhức đầu kèm theo cổ cứng. Viêm màng não có thể gây tử vong và là đây một tình trạng nặng cần được nhập viện cấp cứu ngay.

2.4 Các nguyên nhân khác

  • Viêm khớp dạng thấp gây đau, sưng các khớp và gai xương. Khi những điều này xảy ra ở vùng cổ, bạn có thể bị đau cổ.
  • Loãng xương làm suy yếu xương và có thể dẫn đến gãy các xương nhỏ (điều này thường xảy ra đối với các xương ở tay và gối, nhưng đôi khi cũng xảy ra ở vùng cổ)
  • Đau cơ xơ hóa là một tình trạng gây đau cơ khắp cơ thể, đặc biệt là ở vùng cổ và vai.
  • Thoái hóa cột sống cổ: khiến cho khoảng hở giữa các đốt sống bị thu hẹp, làm tăng thêm áp lực lên khớp của bạn.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc hẹp ống sống cổ gây chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh.
  • Một số nguyên nhân hiếm gặp khác: bất thường bẩm sinh, nhiễm trùng, khối u cột sống…

3. Các biểu hiện của đau vai gáy

Nhức mỏi khớp vai sau khi vận động

Tình trạng đau vai gáy tương đối dễ nhận biết thông qua các cơn đau trực tiếp kéo dài từ gáy đến vùng vai hai bên. Nhiều trường hợp người bệnh không bị đau mà chỉ có cảm giác tê mỏi, cứng cơ nhiều hơn. Các cơn đau vai gáy thường xảy ra vào buổi sáng, trầm trọng nhất là sau khi ngủ dậy hoặc khi ngồi làm việc quá lâu.

Bệnh đau khi có xu hướng lan rộng từ vùng cổ xuống bả vai, lưng và cánh tay. Cường độ đau nhức phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng và thể trạng của người bệnh. Đau vai gáy có thể có một số biểu hiện kèm theo: tê tay chân, co cứng hoặc rối loạn cảm giác ở các chi báo hiệu bệnh đã trở nặng hơn.

Đau vai gáy có thể có các triệu chứng đi kèm như nhức đầu, ù tai, mất ngủ hoặc tình trạng chóng mặt. Các cơn đau mỏi vai gáy tăng lên khi người bệnh vận động và giảm dần khi nghỉ ngơi. Đau mỏi vùng vai gáy dẫn đến tình trạng cứng cơ, từ đó dẫn đến việc cổ người bệnh hoạt động khó khăn hơn.

4. Cần làm gì khi bị đau vai gáy

Nếu tình trạng đau vai gáy chỉ ở mức độ nhẹ và mới xuất hiện, bạn chỉ cần:

  • Nghỉ ngơi, hạn chế các tư thế xoay đầu và cổ quá mức.
  • Không nên ngồi trước quạt hoặc ngồi điều hòa, vì sẽ làm các cơ căng cứng hơn.
  • Có thể xoa bóp nhẹ nhàng hoặc chườm ấm vùng cổ vai. Tuy nhiên nếu nguyên nhân đau không phải do căng cơ, thoái hóa hay co thắt mạch máu thì không nên xoa bóp vì có thể làm tình trạng đau nặng nề hơn.
  • Khi tắm, nên sử dụng nước ấm, không tắm bằng nước lạnh.

Những trường hợp đau nặng hơn, hoặc sau khi đã làm các biện pháp trên, mà vẫn không thuyên giảm, bạn có thể phải sử dụng một số loại thuốc giảm đau thông thường như: miếng dán giảm đau hoặc thuốc giảm đau xịt, bôi tại chỗ (Salonpas, Salonsip, Pain relief…), một số loại thuốc giảm đau dạng uống (Panadol, Efferalgan, Ibuprofen…) (chú ý: không tự ý dùng thuốc nếu bạn có tiền sử với dị ứng các loại thuốc giảm đau hoặc hạ sốt).

Cần đến gặp bác sĩ khi bạn có những triệu chứng sau:

  • Đau cổ vai gáy kéo dài trên một tuần.
  • Đã nghỉ ngơi và dùng thuốc nhưng không hiệu quả.
  • Kèm theo một số triệu chứng như hoa mắt, ù tai, sốt, tê yếu một hoặc hai tay.
  • Đau xuất hiện cả khi đang nghỉ ngơi, không vận động.

5. Các biện pháp phòng ngừa đau vai gáy

Để phòng ngừa đau vai gáy, bạn có thể áp dụng một vài biện pháp sau:

  • Cần xây dựng chế độ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với các bài tập phù hợp.
  • Cần xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp. Khi ngồi làm việc, học tập lâu cần xen kẽ vận động, nghỉ giải lao.
  • Rèn luyện tư thế ngồi làm việc, học tập luôn giữ thẳng cổ, tránh cúi gập cổ quá lâu hoặc ngồi sai tư thế.
  • Cần xây dựng chế độ ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể ví dụ như canxi, kali, vitamin nhóm B, C, E,…

Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý, nếu tình trạng đau vai gáy kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày, lúc này bạn cần tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.

Nhằm giúp bệnh nhân đau vai gáy sớm lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống cũng như không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau, hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có phát triển khoa phục hồi chức năng với nhiệm vụ chính là hướng dẫn cách xoa bóp chữa đau vai gáy hiệu quả. Thế mạnh của khoa là điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho tất cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú

Với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn Phục hồi chức năng nhiều năm kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, cùng với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ hiện đại, được phân thành các phân khu như: Khu khám bệnh, khu vật lý trị liệu, khu vận động trị liệu,… rộng rãi đảm bảo sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho bệnh nhân để thu được kết quả trị liệu tốt.

Bài viết liên quan!