Đau thần kinh tọa là bệnh lý phổ biến của hệ xương khớp, vì vậy gây ra khá nhiều ảnh hưởng đến chức năng vận động. Trong khi việc tập thể dục thể thao vẫn luôn được biết là đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Vậy bị đau thần kinh tọa có nên đạp xe hay không?

1. Đau thần kinh tọa là gì ?

Tập yoga

Thần kinh tọa hay còn gọi là dây thần kinh hông to là là dây thần kinh lớn nhất cơ thể kéo dài từ vùng thắt lưng tới bàn chân. Thần kinh tọa có chức năng chính là chi phối cảm giác vận động và nuôi dưỡng phần cơ thể mà dây thần kinh đi qua, chủ yếu là hai chi dưới. Đau thần kinh tọa là một trong những bệnh lý phổ biến ngày nay. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người, tuy nhiên tỷ lệ phổ biến là ở nam giới trong độ tuổi lao động, phải thường xuyên làm những công việc nặng nhọc.

Tình trạng đau dây thần kinh tọa là cảm giác đau buốt kèm tê nhức dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, thường bắt đầu từ vùng thắt lưng tới bàn chân hoặc các ngón chân. Chính cảm giác đau nhức do bị chèn ép dây thần kinh khiến cho người bệnh khó khăn trong việc đi lại, vận động và sinh hoạt bình thường, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đau dây thần kinh tọa thường do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm khi nhân nhày của đĩa đệm bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu và chèn ép vào rễ thần kinh tọa và dẫn đến các triệu chứng của đau dây thần kinh tọa.

Ngoài ra, đau thần kinh tọa cũng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác như:

  • Hẹp ống sống, vẹo cột sống, trượt đốt sống, viêm đĩa đệm
  • Chấn thương, té ngã gây áp lực lên đĩa đệm
  • Quá phát mỏm gai, gai đôi L5, S1, thoái hóa cột sống thắt lưng.
  • Vận động sai tư thế
  • Vận động mạnh vùng lưng một cách đột ngột.
  • Yếu tố nguy cơ khác: đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, gia đình có người bị thoát vị đĩa đệm, làm những công việc nặng nhọc hoặc đứng nhiều, ngồi nhiều

2. Đau thần kinh tọa có nên đạp xe không ?

 

Nhiều người bị đau thần kinh tọa băn khoăn thắc mắc không biết đau thần kinh tọa có đi xe đạp được không? Theo ý kiến các chuyên gia, người bị đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể đạp xe đạp và việc này không chỉ giúp xương khớp khỏe mạnh, cơ thể dẻo dai mà còn giúp giảm đau, giảm các triệu chứng của thần kinh tọa bị chèn ép cũng như giúp tinh thần vui vẻ thoải mái.

Thông thường, bệnh nhân bị đau thần kinh tọa sẽ được điều trị bằng cách phối hợp nhiều phương pháp như nghỉ ngơi đầy đủ, dùng thuốc, vật lý trị liệu và duy trì các thói quen tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe. Việc luyện tập đều đặn, vừa phải, phù hợp với tình trạng bệnh sẽ giúp người bị đau thần kinh tọa cải thiện sức khỏe cũng như tình trạng bệnh.

3. Lợi ích của đạp xe đạp với người bị đau thần kinh tọa

Đau thắt lưng

Ở những người chọn bộ môn đạp xe để luyện tập, nếu thực hiện đúng cách sẽ giúp họ cân đối hai bên của cơ thể, tăng độ độ đàn hồi và sức bền cho phần cột sống cũng như toàn bộ cơ thể. Đối với người bị đau thần kinh tọa, đạp xe còn mang tới nhiều lợi ích khác như:

Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp

Béo phì làm tăng tỷ lệ bị thoát vị đĩa đệm dẫn tới đau thần kinh tọa. Việc đạp xe liên tục trong một giờ có thể giúp cho người bệnh tiêu hao từ khoảng 300 – 400 calo, từ đó giúp duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp và hạn chế nguy cơ tăng áp lực lên cột sống. Khi cột sống không phải chịu quá nhiều áp lực sẽ giúp giảm khả năng đĩa đệm bị thoái hóa hoặc thoát vị và chèn ép khiến dây thần kinh tọa tổn thương.

Giúp cơ xương khớp chắc khỏe hơn

Theo các chuyên gia, việc đạp xe đều đặn mỗi ngày có thể giúp cơ thể tăng mật độ xương, ổn định ổ khớp và tăng độ vững chắc cho hệ xương khớp. Điều này là nhờ trong quá trình đạp xe, các bộ phận phải sẽ phải phối hợp nhịp nhàng và vận động một cách hiệu quả với nhau. Cùng với đó, các khớp cũng sẽ được hệ thống dây chằng, cơ và gân hỗ trợ nên có thể hoạt động linh hoạt và khỏe mạnh hơn.

Giúp cơ bắp trở nên săn chắc

Một điều chắc chắn là khi cơ thể được vận động thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức cơ và khiến cho cơ bắp săn chắc hơn. Các cơ sẽ phải hoạt động liên tục một cách đều đặn, nhịp nhàng và khi thực hiện động tác đạp xe thì cơ bắp cũng sẽ được tác động nhiều nhất, đặc biệt là ở vùng đùi và cẳng chân.

Giúp hỗ trợ giảm đau

Đạp xe đúng cách và đúng tư thế giúp cho cột sống được cân bằng, ổn định và linh hoạt hơn trong khi hoạt động. Việc này rất có ích trong việc giảm áp lực lên dây thần kinh tọa và xoa dịu vị trí tổn thương, từ đó giúp giảm đau cũng như giảm các triệu chứng của thần kinh tọa.

Giúp điều hòa giấc ngủ

Đạp xe đạp hay vận động cơ thể mỗi ngày sẽ giúp người bệnh cảm thấy thư giãn, thoải mái và giúp cho người bệnh dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Cải thiện chức năng tim mạch

Đạp xe đạp cũng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người đạp xe đạp khoảng 20 dặm một tuần có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim. Cùng với đó, đạp xe cũng sẽ giúp cải thiện sự lưu thông tuần hoàn, đặc biệt là tuần hoàn não bộ và từ đó có thể hạn chế nguy cơ suy giảm trí nhớ ở người luyện tập thể thao so với người ít vận động.

4. Những lưu ý khi đạp xe đạp ở người bị đau thần kinh tọa

 

Cũng như những người bình thường, đạp xe cũng mang lại rất nhiều tác động tích cực cho người bị đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, để có thể nhận được những lợi ích từ việc đạp xe, người bị đau thần kinh tọa trước hết cần lưu ý một số lời khuyên sau để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh rủi ro và nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh.

4.1 Lựa chọn phương tiện phù hợp

Việc lựa chọn phương tiện chuyên dụng cho việc đạp xe là điều đầu tiên cần làm để giúp người bị đau dây thần kinh tọa luyện tập thuận lợi và giảm áp lực cho dây thần kinh, từ đó tránh khả năng gây đau cho người bệnh. Vì vậy, người bị đau dây thần kinh tọa cần lựa chọn những chiếc xe đạp phù hợp với vóc dáng cơ thể của mình.

Những người có vóc dáng nhỏ nhắn hoặc phụ nữ nên chọn những loại xe trọng lượng nhẹ, nhỏ gọn nhưng vẫn chắc chắn và dễ dàng điều khiển. Ngoài ra, đối với người luyện tập xe đạp thường xuyên thì nên bổ sung phụ kiện giảm xóc để tránh gây tác động đột ngột đến vùng lưng ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.

4.2 Độ cao của xe đạp phải vừa với tầm vóc cơ thể

Bên cạnh việc chọn được một chiếc xe phù hợp, việc điều chỉnh độ cao xe vừa với tầm vóc của cơ thể cũng sẽ giúp đảm bảo an toàn khi tập luyện. Bạn nên lựa chọn những chiếc xe có phần yên có thể thay đổi độ cao linh hoạt để khi đạp xe bạn có thể điều chỉnh phần yên xe sao cho cảm thấy thoải mái nhất để có thể luyện tập trong thời gian dài.

4.3 Lưu ý cường độ đạp xe

Cường độ đạp xe là vấn đề người đau dây thần kinh tọa cần hết sức lưu ý. Mặc dù đạp xe đem lại nhiều lợi ích nhưng bạn cũng chỉ nên nên luyện tập đạp xe với cường độ vừa phải khoảng từ 10 – 20 phút mỗi lần là tốt nhất và có thể tăng dần từ từ theo thời gian. Nếu đạp xe quá lâu trên quãng đường quá dài sẽ gây áp lực rất lớn lên vùng lưng, từ đó tác động đến thần kinh tọa đang bị đau làm triệu chứng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, luyện tập liên tục cũng sẽ khiến cho xương khớp bị mỏi, đặc biệt là khớp gối, tăng nguy cơ đau gối, thoái hóa khớp gối.

4.4 Luyện tập đúng tư thế

Đây là một lưu ý quan trọng mà người bị đau thần kinh tọa cần ghi nhớ. Việc đạp xe hoặc luyện tập bất kì một môn thể thao nào nếu thực hiện sai tư thế đều có thể gây ra những bất lợi cho sức khỏe. Đặc biệt người bị đau thần kinh tọa càng cần phải chú ý vì có thể làm tình trạng bệnh nặng lên gây ra các cơn đau, thậm chí hạn chế khả năng đi lại, vận động. Bạn cần ngồi thẳng lưng, cân bằng hai bên cơ thể, tránh tư thế xiêu vẹo hoặc cúi người về trước, ngửa ra sau quá nhiều.

4.5 Thời gian luyện tập phù hợp

Thông thường thời gian luyện tập thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm từ 5h30 đến 6h30 hoặc chiều mát trong khoảng từ 17 – 18h. Người mới bắt đầu thì chỉ nên tập từ 10 – 15 phút để cơ thể làm quen trước và sau có thể tăng dần lên 30 phút. Người bệnh không nên quá gắng sức và cần nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi trong quá trình luyện tập.

4.5 Lựa chọn quãng đường, địa hình phù hợp

Với người đau dây thần kinh tọa cần tránh những địa hình hiểm trở nhấp nhô và ưu tiên lựa chọn những đoạn đường có địa hình bằng phẳng. Lý giải điều này là do khi phải di chuyển liên tục trên quãng đường nhấp nhô, xóc nảy sẽ gây lực tác động lớn đến hệ thống xương khớp, dây thần kinh và làm cho tình trạng thoát vị nặng nề hơn, từ đó khiến người bệnh đau đớn hơn và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc di chuyển trên những cung đường gập ghềnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Với những thông tin đã cung cấp như trên hy vọng đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc liệu người bị đau thần kinh tọa có nên đạp xe không hay những thông tin về việc tập thể dục khi bị đau thần kinh tọa như thế nào? Việc luyện tập xe đạp với cường độ, thời gian và tư thế phù hợp có thể mang lại cho người bệnh nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân, mức độ mà cơ thể bạn có thể đáp ứng được trong quá trình luyện tập để vừa đem lại nhiều lợi ích vừa đảm bảo an toàn.

Bài viết liên quan!